Chân gà cay, bánh trôi tàu, kem, hạt dẻ tẩm mật ong hay bánh sữa chua chảy tràn, bánh chuối,… Các loại đồ ăn vặt được quảng cáo “hàng nội địa Trung Quốc’ đang lên cơn sốt, được bày bán tràn lan trên thị trường. Trong khi đó, người dân liều mình, bỏ tiền triệu để mua về ăn.
Tràn ngập đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc
Cách đây 1 năm, thị trường bắt đầu xuất hiện một vài món ăn vặt có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhiều người quan tâm như chân gà muối cay, bánh bông lan đủ vị thơm lừng,… Thế nhưng, càng, ngày đồ ăn vặt có nguồn gốc từ Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn và được bán tràn lan trên khắp chợ online lẫn cửa hàng tạp hóa.
Trên nhiều diễn đàn, không khó để bắt gặp những quảng cáo kích thích vị giác khiến người xem vừa đọc, vừa nuốt nước miếng. Chẳng hạn chân gà cay xé lưỡi, trứng muối chua ngọt nhắm với bia, mùa hè có kem mát lạnh, đủ vị giá chỉ từ 3.000 đồng/que,… Tất cả đều được công khai là “hàng nội địa Trung Quốc, chất lượng đảm bảo”.
Bánh ngọt đủ vị có xuất xứ Trung Quốc được nhiều người ưa chuộng |
Chị Lương Thu Phương, chủ một cửa hàng bánh kẹo nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay, mặc dù có mức giá tương đương hàng Việt nhưng bánh kẹo Trung Quốc, kem Trung Quốc mới là những mặt hàng bán chạy tại đây.
“Như loại kem đủ vị của Trung Quốc, mỗi ngày tôi bán cả chục thùng. Có nhà mua thùng 40 que, ăn vèo chưa đến 1 tuần đã hết”. Nhiều loại bánh kẹo nội địa Trung Quốc khác như bánh việt quất, bánh sữa chua, bánh chuối, bánh nhũ hoa,… khách mua theo cân trộn lẫn các vị với nhau ăn cho “đã”. Tính ra, mỗi kg bánh giá 170.000-200.000 đồng, khách hàng mua vài cân đến cả triệu đồng để liên hoan sinh nhật hoặc ăn dần.
Hay gần đây, các loại bánh trôi tàu còn đổ bộ về thị trường với lời quảng cáo “hàng nội địa Trung Quốc, để cả năm không hỏng”. Số lượng không hạn chế, khách mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần đặt trước một ngày.
Không chỉ có các món bánh ăn vặt, các loại đồ nhậu là hàng nội địa Trung Quốc cũng tràn ngập. Theo anh Quảng Trọng Tùng, một đầu mối bán đồ ăn vặt Trung Quốc online ở Lào Cai, chân gà cay, chân vịt cay là món nhậu ưa thích, đặc biệt trong dịp bóng đá, nghỉ lễ.
“Túi chân gà được hút chân không sạch sẽ, giá chỉ 30.000-40.000 đồng/gói”, anh nói và cho biết, khách quen nhà anh, mỗi lần phải mua vài gói vì hầu như đã ăn là nghiện. Có đợt đông khách, anh phải từ chối.
“Chân gà xanh muối ớt vàng, chân gà tím vị dưa muối, chân gà vàng đậm vị Trung Hoa, ăn vào cay cay, tê tê đầu lưỡi, lại có vị ngọt kích thích. Có người nhìn thấy lạ mua một gói ăn thử, hôm sau đặt luôn cả thùng để dành cuối tuần xem bóng đá”. Giá của 1 gói chân gà chỉ 50.000 đồng, gói nhỏ hơn 45.000 đồng, nhắm với bia thì không còn gì hợp hơn.
“Mỗi món ăn vặt tôi có đến vài chục loại, người mua tha hồ lựa chọn. Như bánh có 20-30 loại bánh, mỗi đợt lại ra vài vị khác nhau, chân gà cũng có 4-5 vị. Mà đây là hàng bán trong nội địa cho chính người dân Trung Quốc ăn, mình nhập về ăn hoàn toàn yên tâm, đảm bảo”, anh Tùng quả quyết.
Bỏ tiền triệu liều mình mua ăn
Với sức hút lớn từ quảng cáo hấp dẫn, không ít người đổ xô đi mua đồ ăn vặt Trung Quốc vì tin vào lời người nói “hàng nội địa, đảm bảo chất lượng”. Có những người mua ăn vì thấy ngon, hương vị khác lạ mà không cần quan tâm quá nhiều đến nguồn gốc.
Chị Hoàng Thị Linh, nhân viên một công ty máy tính nằm trên đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) thú nhận, mỗi tuần, chị chi không dưới 1 triệu đồng để mua kem, bánh ngọt Trung Quốc ăn vặt và vài gói chân gà cay cho chồng nhắm rượu.
Chân gà Trung Quốc nhập lậu bị thu giữ thời gian gần đây |
Không riêng chị Linh, nhiều đồng nghiệp của chị sau khi ăn đồ ăn vặt Trung Quốc “nghiện”, bất cứ khi nào có dịp liên hoan cũng đặt mua tới 2-3 triệu đồng bánh sữa chua, bánh chuối, bánh nhũ hoa, hạt dẻ tẩm mật ong đủ loại chứ không lựa chọn bánh kẹo trong nước.
Theo quan sát, trên bao bì, nhãn mác hàng toàn bộ đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác về thành phần, hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra hạn sử dụng của những món này khá dài, đơn cử như bánh trôi tàu “thơm, ngon, ngậy, vỏ mềm dẻo dẻo dai dai, ngọt vừa” để cả năm trời cũng không sợ hỏng, chân gà cay để nhiệt độ thường cũng được 9 tháng…
Dường như với tâm lý “hàng Trung Quốc nội địa, người Trung Quốc vẫn ăn bình thường thì mình cũng ăn được”, những con số hay chữ khác lạ không ảnh hưởng đến mối quan tâm của người tiêu dùng. Vì thế, nhiều người không ngại bỏ qua nguồn gốc, xuất xứ của những món hàng này mà vô tư mua về ăn.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ, thường hàng nội địa là hàng xách tay, không phải hàng nhập chính ngạch. Theo đó, sẽ không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bởi, trên bao bì nhãn mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt.
“Còn cách quảng cáo hàng nội địa Trung Quốc, họ sản xuất cho người Trung Quốc dùng nên an toàn” là để cho họ dễ bán hàng vì được người mua tin tưởng. Song, chất lượng của những nguồn “hàng nội địa Trung Quốc” đến nay vẫn chưa có cơ quan nào kiểm soát được. Do đó, người tiêu dùng nên tỉnh táo, không nên quá tin vào những lời quảng cáo, đặc biệt là trên mạng facebook, nên mua hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng để tránh tiền mất tật mang, vị chuyên gia này cảnh báo.
Trên thực tế, cuối tháng 3 vừa qua, đội Quản lí thị trường số 1, thuộc chi cục Quản lí thị trường tỉnh Quảng Ninh, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra đã phát hiện một xe ô tô vận chuyển 1.050kg thạch cây có xuất xứ từ Trung Quốc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này. Lái xe thừa nhận, đây là hàng nhập lậu.
Hay mới đây nhất, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt giữ một lô chân gà xuất xứ từ Trung Quốc đang bốc mùi hôi thối trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Đáng chú ý, loại chân gà này đang là mặt hàng đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội dưới mác “chân gà hàng nội địa Trung Quốc”.